Đặc điểm Kỳ đà mây

Mô tả

Kì đà mây có thân màu vàng xám, rải rác có các đốm vàng nhỏ ở lưng có nhiều vết xám to xếp theo chiều ngang, nhưng những vết này không rõ ở đuôi[4]. Chúng cơ thể dài tới 2m, kích thước và hình dáng tương tự như Kỳ đà hoa hay kỳ đà nước, song đuôi chúng không dẹp bên, lỗ mũi là một khe xiên có vị trí gần mắt hơn đầu mõm, lưng có màu xám hay nâu nhạt với những đốm vàng nhỏ rải rác, các chi có những vết màu đen nhạt nằm theo chiều ngang và có những vân đen, bụng có nhiều vân nâu xám và vàng.

Tập tính

Sống chủ yếu ở vùng rừng núi, những môi trường khô ráo ít nhiều gắn bó với các vực nước, nhất là những vùng rừng núi và thường sống trong những gốc cây, hốc đá, kẽ hở đất, đá ban ngày thường ngủ, nghỉ, ban đêm đi kiếm ăn. Thức ăn của phân loài này là sâu bọ, ếch nhái, thằn lằn, chim nhỏ và thú nhỏ. Chúng bơi giỏi, leo trèo giỏi thường kiếm ăn trên mặt đất hoặc trên cây, ăn côn trùng, thằn lằn, chim và thú nhỏ, đôi khi phá cả tổ chim để ăn trứng và chim non.

Kỳ đà mây là khắc tinh của sâu bọ, chuột và là nguồn gen quý hiếm góp phần tạo nên tính đa dạng sinh học ở Việt Nam[5]. Chúng ẩn trong những hang sâu dưới những tảng đá hoặc trong đám rễ cây. Một khi Kỳ đà đã lọt vào trong hang thì khó mà có thể lôi chúng ra ngoài, do chúng phình to thân bám chặt lấy thành trong của hang. Gặp nguy hiểm Kỳ đà vân có thể nằm giả chết, ngay cả khi nhấc đuôi lên, chúng vẫn không cử động.

Sinh trưởng

Kì đà cái đào hố đẻ trứng vào mùa mưa, số lượng khoảng 24 quả. Trong mùa sinh sản, các cá thể đực đánh nhau để giành cá thể cái. Vào mùa mưa, Kỳ đà mây đẻ khoảng 24 trứng có vỏ dai vào hố do chúng tự đào rồi dùng mõm để lấp đất lên hố có chứa ổ trứng. Kỳ đà sinh trưởng, phát triển mạnh sau mỗi lần lột xác (lột da). Sau mỗi lần lột da, nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt tốc độ tăng trưởng của kỳ đà có thể tăng lên 2-3 lần. Kỳ đà có thể lột da mỗi năm một lần vào khoảng tháng 8 đến tháng 10. Kỳ đà mây thường mắc một số bệnh như viêm ngoài da, táo bón, tiêu chảy, ký sinh trùng đường ruột, ký sinh trùng ngoài da[6].